TTO – Hồi tôi đi học, Sài Gòn đã vào mùa mưa, mà tôi hay bị chứng bệnh sốt siêu vi, nên cứ hễ dầm mưa là hôm sau tôi sốt mê man. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học.
Trà My tham gia sự kiện tại BMG Business Training
Hồi tôi làm ở HELP, một hôm người sáng lập kiêm giám đốc Tạ Minh Tuấn đề nghị tôi đi học khóa marketing hay PR để thêm kiến thức áp dụng công việc. Tôi vừa mừng vừa lo, vì rất thèm đi học nhưng tôi không hề có bằng cấp gì. Liệu có nơi nào nhận tôi học?
Lần đầu đến trường
Sau thời gian lên mạng tìm hiểu các trung tâm dạy marketing và thăm dò những bạn đã từng học các khóa như vậy, cuối cùng cậu em làm cùng phòng đã giới thiệu cho tôi về học viện quốc tế BMG.
Hôm đó sau giờ làm việc, cậu Hiếu (chúng tôi coi nhau như chị em vì cùng họ và mẹ Hiếu cùng đồng hương với tôi) chở tôi qua trường để xin gặp thầy hiệu trưởng. Tôi còn nhớ thời đó BMG có trụ sở tại Lê Hồng Phong, quận 10. Còn nơi ở và làm việc của tôi ở quận 7.
Trên đường đi, tôi có cảm giác vừa háo hức lại vừa hồi hộp. Cái cảm giác lâu nay mình ao ước được đi học làm tôi vô cùng phấn khích, nhưng cũng đầy lo sợ nếu như nhà trường hỏi bằng cấp của tôi, rồi cả tiền học phí mấy triệu đồng nữa. Bởi công ty khởi nghiệp thì làm gì có nhiều tiền và tôi thì lại càng không có tiền đóng học phí.
Buổi chiều hôm đó, tôi qua trường và đã thấy thầy Nguyễn Thanh Tân ngồi sẵn ở phòng thư viện đợi tôi. Thầy Tân là thạc sĩ kinh tế, cũng là chủ ngôi trường này. Ấn tượng đầu tiên tôi dành cho thầy đó là người đàn ông phúc hậu, điềm tĩnh và phong thái đầy tự tin của doanh nhân thành đạt.
Ngồi đối diện thầy, lòng tôi vẫn ngổn ngang lo lắng, nhưng bên ngoài tôi vẫn phải giữ sự tự tin vốn có của mình. Cuộc nói chuyện dài hơn một tiếng đồng hồ và kết thúc thầy bảo: “Em cứ đi học. Còn vấn đề học phí không phải lo”.
Trên đường về công ty, tôi ngồi sau xe máy mà cứ líu lo như chim non với câu nói ú ớ: “Hiếu ơi, chị sắp được đi học”. Tôi vui sướng biết nhường nào khi 25 năm qua tôi cũng chạm đến ước mơ của mình, đó là được đi học như một người bình thường.
Cơ thể bị khuyết tật, nhưng từ nhỏ tôi đã xem mình là người bình thường nên tôi chỉ chọn môi trường sống, môi trường làm việc, học tập với những người bình thường, và kể cả bạn bè tôi chơi đa số đều là những người bình thường. Bởi lẽ cách vượt qua mặc cảm tự ti tốt nhất là hãy chọn những môi trường sống bình thường, hòa nhập và không rào cản.
Hành trình học của tôi bắt đầu từ 17h đến 21h, và 1 tuần học 3 buổi vào các ngày thứ ba, năm, bảy. Tôi vẫn nhớ như in vì đó là những tháng ngày thanh xuân đầy gian khổ nhưng rất tươi đẹp. Hằng này, tôi sẽ xin ai đó làm chung công ty nếu có về qua ngang quận 10 thì cho tôi đi nhờ đến trường BMG.
Cứ vậy cho đến ngày đẹp trời trên Facebook tôi xuất hiện cô bạn đang học năm 2 Trường đại học Hoa Sen và bạn ấy cũng ở quận 7. Sự trùng hợp là các tối thứ ba, năm, bảy bạn đi học tiếng Anh ở quận 10. Thế là các buổi chiều ba, năm, bảy, bạn chạy xe đạp điện qua chở tôi đi học. Hai chị em vi vu trên chiếc xe đạp điện từ quận 7 qua quận 10 gần cả tiếng đồng hồ. Thậm chí, có những hôm đang đi thì mưa ập đến và xe hết điện, vậy mà cô bạn vẫn cứ đạp băng băng.
Hồi tôi đi học Sài Gòn đã vào mùa mưa mà tôi hay bị chứng bệnh sốt siêu vi, nên cứ hễ dầm mưa là hôm sau tôi sốt mê man. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học. Chỉ khi nào mưa to gió bão và nhà trường thông báo nghỉ học thì tôi mới chịu ở nhà, thậm chí môn nào phải nghỉ học tôi đều ghi lại để chờ học bù ở khóa sau.
Lớp tôi học là lớp chuyên viên PR khóa 22 và nhà trường không có thang máy. Phòng giáo vụ ưu tiên lớp tôi học ở tầng 1, mỗi ngày tôi đi học các bạn phòng giáo vụ hay bạn cùng lớp đều giúp hoặc bế tôi lên cầu thang.
Những kiến thức căn bản về PR tôi đã nắm sẵn từ lâu, vì tôi sớm có thói quen đọc những cuốn sách về các vĩ nhân thế giới hay những doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng. Cộng với việc tôi có gần 2 năm làm marketing cho HEPL nên những kiến thức tôi học ở BMG có cái tôi bỡ ngỡ và cũng có những cái tôi đã từng biết, từng làm rồi, thành ra tôi lại thêm háo hức mỗi khi đến lớp.
Cô gái khuyết tật cao điểm hơn các chuyên viên
Và trong thời gian tôi chuẩn bị làm đề án tốt nghiệp cũng là lúc công ty tôi xảy ra biến cố. Bao ý tưởng tôi muốn xây dựng thương hiệu công ty của tôi đưa vào đề án tốt nghiệp bị tiêu tan. Tuy nhiên, tinh thần ham học của tôi vẫn không giảm. Đến năm 2012, tôi chuyển nhà về quận Tân Phú và may mắn xin vào làm PR part time cho một công ty về trang sức ngọc trai…
Rồi tôi nghe nhà trường mở thêm một lớp về giám đốc PR và mỗi tuần chỉ học một ngày chủ nhật từ sáng đến chiều và học trong 3 tháng. Thế là tôi lại xin thầy Tân cho tôi học tiếp khóa đó. Trong đầu tôi lại nghĩ đến chuyện tìm một người để đưa tôi đi học mỗi tuần. Và đúng lúc đó tôi lại quen được một cậu em nhà ở Bình Hưng Hòa.
Thế là cứ 7h sáng chủ nhật hằng tuần, cậu ấy lại chở tôi qua Lê Hồng Phong để học và chiều 17h lại đón tôi về. Mãi sau này, Giang (tên cậu em đó) mới kể chuyện vui: “Cứ chủ nhật em xách xe chở chị đi học và cầm hai cái nón bảo hiểm là ba mẹ em tưởng em có bồ”.
Lịch học nguyên ngày chủ nhật có lúc khiến tôi muốn xỉu vì mệt. Sáng phải dậy sớm đi học có khi không kịp ăn sáng, trưa chỉ đủ tiền mua cái bánh mì hoặc hộp xôi ăn tạm. Đó là chưa kể nhà trường không có thang máy, nhà vệ sinh thì ở tầng trệt, và tôi ngại nhờ ai đó đưa xuống nhà vệ sinh. Vậy nên, chiêu cuối cùng là tôi hạn chế uống nước.
Tôi vẫn cố gắng học, và lần này tôi cố gắng phải có được bằng tốt nghiệp. Song lại thêm một sự cố xảy ra khi trước mấy ngày thi tốt nghiệp tôi đi siêu thị bị té đập mặt xuống nền nhà siêu thị. Ngay dưới đó là mảnh gạch bị vỡ và nó đâm vào cằm tôi, máu tuôn ra như suối khiến tôi phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Tân Phú.
Nằm dưỡng thương ở nhà tôi gần như bật khóc vì trong vòng một tháng vừa lo chuyển nhà, vừa bị mất tiền, vừa phải cấp cứu ở bệnh viện và vừa trúng ngay ngày thi nhận bằng tốt nghiệp. Dường như bao nhiêu cái xui nó dồn lại một cục và ông trời giáng xuống cho tôi vậy.
Thế nhưng, sau khi ổn định xong chỗ ở mới, tôi xin phòng giáo vụ cho được thi lại. Một mình một phòng thi và tôi không thể viết được bằng tay nên phải mượn phòng giáo vụ một cái laptop cũ. Bởi nếu sử dụng laptop của tôi thì ai đảm bảo được tính minh bạch.
Tôi còn nhớ đề thi ra tình huống nếu bạn là giám đốc PR của một thương hiệu bánh trung thu lớn và bị khách hàng tố chất lượng bánh giả thì bạn sẽ xử lý khủng hoảng truyền thông thế nào? Đọc xong đề thi, 5 phút đầu tôi bối rối không biết làm bài thế nào?
Tôi cố gắng nhớ lại kiến thức mà 3 tháng qua đã được học và vận dụng nó vào làm đề thi. Bởi bản chất của vị trí giám đốc truyền thông là luôn bình tĩnh khi công ty xảy ra khủng hoảng và luôn có sẵn những phương án dự phòng để đối diện với truyền thông, với người tiêu dùng và với cả cổ đông.
Tôi làm xong ra về với một tâm thái an nhiên nhất vì tôi đã cố gắng hết mình. Khóa tôi học thì 11 học viên còn lại đều có vị trí nhất định trong ngành. Kinh nghiệm và kiến thức của họ hơn tôi rất nhiều, nên tôi nghĩ bài làm của mình sẽ có điểm thấp nhất. Tuy nhiên, tôi là một trong ba người có điểm cao nhất, đến mức tôi cứ hỏi lui hỏi lại xem liệu có sự nhầm lẫn gì không. Nhưng may quá, nó như một phần thưởng xứng đáng mà cuộc sống đã dành tặng cho tôi.
Vui nhất là thỉnh thoảng có vài giảng viên là anh chị doanh nhân đã biết về tôi qua báo đài, nên câu chuyện của tôi được làm dẫn chứng cho môn học xây dựng thương hiệu cá nhân. Cô gái khuyết tật quay cuồng với công việc và học hành, nhưng cảm giác trong tôi rất hạnh phúc vì đó là cuộc sống tôi mơ ước. |
——————————————
Trần Trà My là cô gái khuyết tật đi lại không được, nói không ai nghe, nhưng tôi luôn cố gắng tham dự những sự kiện có ý nghĩa của các doanh nhân, nghệ sĩ, sinh viên… và tôi luôn nung nấu hoài bão…
Nguồn: tuoitre.vn